“Máu là một loại thuốc đặc biệt mà hiện nay chưa có chế phẩm nào thay thế được. Hằng năm, trên Thế giới cần khoảng 130 triệu đơn vị máu phục vụ cho điều trị, cấp cứu và dự phòng thảm họa” – Giáo sư Karl Lendsteiner - Thầy thuốc, nhà sinh học người Áo. Tuy nhiên, theo thông báo của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) những năm gần đây, lượng máu thu được chỉ chiếm 39% lượng máu toàn Thế giới và mới chỉ có 36 nước đạt được tỷ lệ 100% số đơn vị máu thu được từ người hiến máu tình nguyện. Phần lớn các nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu máu phục vụ cho điều trị và lượng máu thu được vẫn phải trông đợi ở người cho máu lấy tiền và người nhà cho máu. Đây là sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc đảm bảo cung cấp máu cho người bệnh giữa các nước và các khu vực. Hai khó khăn lớn nhất đối với ngành y tế Thế giới trong truyền máu hiện tại đó là: thiếu nguồn người hiến máu thường xuyên và an toàn truyền máu chưa được đảm bảo (do tỷ lệ HIV/AIDS ngày càng tăng, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B rất cao...).
Chính vì vậy, để giải quyết được 2 khó khăn trên, ở tất cả các nước trên Thế giới vấn đề người hiến máu luôn được đặc biệt quan tâm và coi trọng. Mục tiêu chung đặt ra là toàn bộ lượng máu thu được phải từ những người hiến máu tình nguyện, họ là những người tình nguyện hiến máu hoặc các thành phần máu mà không có bất kỳ đỏi hỏi nào từ phía người nhận máu, không nhận tiền hoặc bất cứ hình thức nào quy đổi ra tiền, hiến máu không vụ lợi, không có sức ép và sẵn sàng cộng tác với các trung tâm truyền máu để đảm bảo an toàn cho người nhận máu. Chỉ có người hiến máu tình nguyện mới là người hiến máu an toàn; và chỉ có người hiến máu an toàn mới có được những đơn vị máu có chất lượng, an toàn phục vụ cho công tác điều trị người bệnh. Nhằm ghi nhận, cảm ơn và khuyến khích những người đã hiến máu tiếp tục hiến máu nhắc lại, năm 2004 Tổ chức y tế Thế giới, Hiệp hội chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội truyền máu Quốc tế và Hiệp hội người hiến máu Thế giới đã thống nhất lấy ngày 14/6 là Ngày Thế giới dành cho người hiến máu. Ngày 14/6 được lựa chọn để tưởng nhớ tới giáo sư Karl Lendsteiner – Người đã phát minh ra nhóm máu ABO năm 1900 (ông đạt giải Nobel y học) mang lại bước tiến quan trọng trong lịch sử truyền máu Thế giới.
Ngày Thế giới dành cho người hiến máu không phải nhằm mục đích vận động được nhiều người hiến máu vào dịp này mà là để kêu gọi các quốc gia, cộng đồng hãy ghi nhận và tổ chức các sự kiện nhằm tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã hiến máu, họ chính là những người đã hiến tặng cho người bệnh và cho cuộc sống hai món quà quý giá – đó là máu và tình yêu thương. Chính nhờ những món quà và nghĩa cử cao đẹp này mà hằng năm trên Thế giới có hàng trăm triệu lượt người được cứu sống.
Hãy dành cho người hiến máu những tình cảm tốt đẹp nhất. Đó là vì sự sống, vì hạnh phúc trên Trái đất này./.
Việt Hằng