Tên Lee-Enfield của súng này được đặt theo tên người đã chế tạo ra nó và nhà máy sản xuất vũ khí của Anh, từ “Lee” được lấy trong tên James Paris Lee, còn “Enfield” là lấy từ tên nhà máy sản xuất vũ khí Enfield. Nhưng ở bên Úc, Canada, Nam Phi và New Zealand gọi loại súng trường này là 303, còn Trung Quốc gọi là súng trường Anh Quốc hoặc súng trường 7.7mm. Súng trường Lee-Enfield được thiết kế dựa theo 3 khẩu súng trường sơ khai trước kia là Martini-Henry, Martini-Enfield, và Lee-Metford.
Súng trường Lee - Enfield được sử dụng tại 44 quốc gia trên thế giới và được sản xuất tới 17 triệu khẩu (giai đoạn 1895-1928). Lee Enfield nổi tiếng về lịch sử, độ chính xác, sức mạnh, tốc độ bắn nhanh, khiến cho giới quân sự đặt tên cho Lee-Enfield (SMLE) là súng trường chiến đấu tốt thứ ba từng được thiết kế. Súng trường là hỏa khí cá nhân cơ bản của mỗi người lính trên chiến trường hiện đại, chúng cũng góp phần chính yếu tạo nên màn hỏa lực của đơn vị bộ binh trên chiến trường. Hiện tại, đa số quân đội các nước trên thế giới đều sử dụng súng trường như là vũ khí căn bản nhất trong bộ xung hỏa lực bộ binh. Có thể điểm qua tính năng kỹ chiến thuật của súng trường Lee Enfield như sau: Khối lượng của súng: 4 kg; chiều dài toàn súng: 111,8 cm; loại đạn sử dụng là 303 British = 7,7 mm và đạn 7,62X51 mm NATO; khóa nòng không tự động, lên đạn từng viên một; tốc độ bắn 20-30 viên/phút; sơ tốc đầu nòng 744 m/s; tầm bắn hiệu quả 503 m; tầm bắn xa nhất 2743 m; băng tiếp đạn có hai loại 10 viên và 5 viên; ngắm bắn điểm ruồi từ đó có thể thấy loại dúng này rất phù hợp với chiến tranh du kích đánh lẻ đánh bất ngờ và ngắm bắn ở cự ly xa phù hợp với khả năng tác chiến của quân và nhân dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ở Việt Nam, trong chiến tranh Đông Dương, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu được khá nhiều súng trường này từ quân đội Anh và Ấn Độ, họ có nhiệm vụ giải giáp quân phát xít Nhật khi Nhật chấp nhận đầu hàng đồng minh.
Súng trường Lee Enfield được sử dụng trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn (1945-1954) đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tính năng, kỹ chiến thuật như vậy, súng trường Lee Enfield được sử dụng cho phong trào “Săn Tây bắn tỉa” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 22/4/1954, đồng chí Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ kêu gọi bộ đội: “Hãy phát huy tinh thần tích cực tiêu diệt địch, nỗ lực thi đua bắn tỉa…". Bộ đội ta nêu cao khẩu hiệu: "Một viên đạn một tên địch, một viên đạn mấy tên địch, kiên nhẫn, tích cực, nhằm đúng mục tiêu, hễ bắn là trúng". Phong trào “Săn Tây, bắn tỉa” lan rộng khắp mặt trận, từ các chiến sĩ súng trường, súng máy đến các khẩu đội súng cối, sơn pháo, rất nhiều chiến sĩ thiện xạ xuất hiện. Ẩn mình ở những vị trí bất ngờ ngay dưới hàng rào dây thép gai bao quanh cứ điểm, từng chiến sĩ, từng tổ thiện xạ nhằm tiêu diệt bất kỳ tên địch nào ló đầu ra khỏi công sự, ụ súng;. Ngay ở các vị trí đóng quân sát sông Nậm Rốm, ban ngày quân Pháp cũng không dám xuống lấy nước. Chỉ trong 10 ngày, 4 tổ thiện xạ quanh khu trung tâm đã diệt 110 tên địch, có chiến sĩ “thiện xạ” diệt 13 tên địch bằng 15 viên đạn. Với khẩu súng trường Lee Enfield chiến sĩ Đoàn Tương Líp - Đại đội 395, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 sử dụng bắn tỉa tiêu diệt 9 tên địch bao vây cứ điểm 206 (ngày 19/4/1954).
Từ đó có thể khẳng định rằng, với các loại vũ khí là chiến lợi phẩm nếu chúng ta nghiên cứu, sử dụng, vận dụng phù hợp với cách đanh, chiến thuật, nghệ thuật quân sự của ta có thể phát huy hết khả năng của vũ khí đó./.
Thương Thương